Đặt tên cho con trai con gái hay và ý nghĩa năm 2025
Danh sách tên hay
Tục lệ đặt tên con
Ở nuớc ta, thời hạn đặt tên cho con – tính từ ngày sinh – thay đổi theo vùng miền. Người Kinh, theo phong tục ông cha thì không đặt tên sau khi đứa trẻ mới sinh ra mà chỉ gọi nôm na như cái đĩ, thằng cu, thằng Tèo, cái Tộp… (hiện nay ít được sử dụng. Nếu có thì khi một người lớn tuổi gọi một đứa trẻ khi không biết tên của người đó), hoặc một cái tên gì đó xấu xí trong vòng 100 ngày để ma quỷ khỏi bắt nó đi. Ở Huế nói riêng, 100 ngày sau mới làm lễ tạ ơn “mười hai bà mụ” bấy giờ mới đặt tên húy. Tên húy là tên thật của mỗi người, thường do bố mẹ đặt. Tên chính còn được gọi là tên khai sinh, tên húy, hay tên thật. Một số nơi, trong dịp tế tổ (giỗ họ), các gia đình có con cháu mới sinh thường sắm sửa cơi trầu, rượu, hương hoa, lễ vật đến nhà thờ họ yết cáo tổ tiên và vào sổ họ cho con trai trước lễ yết cáo, ngày đó mới có tên húy chính thức, được dòng tộc họ hàng công nhận. Khi vào sổ họ phải đối chiếu gia phả để kiểm tra xem có trùng tên các vị tổ tiên hoặc ông bà chú bác trong dòng tộc hay không. Nếu trùng tức là phạm húy thì phải đổi sang tên khác. Ở nông thôn, các vị bô lão uy vọng trong làng, trong dòng tộc thường được dân chúng biếu trầu rượu và nhờ đặt tên cho con. Người đặt tên được gia đình nhớ ơn suốt đời. Ngày nay, theo nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ Việt Nam về đăng ký và quản lý hộ tịch, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con; cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha mẹ không thể đi khai sinh thì ông bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ.Đặt tên cho con năm 2025
Ý nghĩa của việc đặt tên cho con thực sự rất quan trọng. Bởi cái tên không chỉ là tên gọi thông thường mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sự nghiệp của bé sau này.Hướng dẫn cách đặt tên cho con
Họ được đặt ở đầu, trước tên đệm và tên chính.
Họ người Việt hay người Kinh chủ yếu là đơn âm, tuy nhiên những năm gần đây chứng kiến ngày càng phổ biến việc đặt họ kép bằng cách ghép họ cha và họ mẹ, chẳng hạn Lê Nguyễn Trân Anh, “Trần Lê” Bảo Châu… Do ảnh hưởng thay đổi chính trị dẫn đến việc cải, đổi họ tên.
Tên đệm (hay tên lót) phổ biến nhất của người Việt là “Văn” (文), “Hữu” (有) dùng cho nam giới và “Thị” (氏) dùng cho nữ giới, luôn nằm giữa họ và tên chính. Trong khi họ là để phân biệt huyết thống và tên chính dùng để phân biệt người này với người khác thì một số tên đệm thường dùng để phân biệt giới tính (nam, nữ). Ví dụ, những cái tên nổi tiếng như Thị Kính, Thị Mầu trong Quan Âm Thị Kính, Thị Nở trong Chí Phèo hay “Thị” trong tác phẩm Ngày xưa Hoàng Thị của nhạc sĩ Phạm Duy…
Tuy nhiên ngày nay, những tên lót phổ biến này lại không được người Việt ưa thích vì chúng được cho rằng không hay bằng những tên lót khác, đặc biệt là “Thị”. Chữ 氏 (thị) này đồng âm với chữ 侍 (thị) trong “thị nữ” (侍女) có nghĩa là ” hầu hạ”, “hầu gái”, khiến người phụ nữ như bị đánh giá thấp kém. Do đó một số lượng không nhỏ phụ nữ Việt Nam hiện nay có tên đệm là “Thị” hay bỏ chữ này khi viết hay xưng đầy đủ họ tên.
Do việc tên chính được sử dụng nhiều thay cho họ, hiện nay rất nhiều người tưởng lầm rằng phần tên đệm là thuộc phần họ, nhưng theo đúng lý thì tên đệm là phần gắn với tên chính, vì tên đệm bổ sung ý nghĩa cho tên chính. Ví dụ như một người tên “Nguyễn Thành Công” tự ghi trong một đơn từ hay hồ sơ với phần họ (Surname hay Family name hoặc Last name) và tên (First Name hoặc Given Name) được tách riêng, người này ghi “Họ: Nguyễn Thành“, “Tên: Công” là không chính xác, mà chính xác phải ghi là “Họ: Nguyễn“, “Tên: Thành Công“. Trường hợp ngoại lệ là người có họ kép vốn sẵn như “Âu Dương Lâm” (họ Âu Dương), “Tôn Thất Lâm” (họ Tôn Thất) hoặc người có họ kép do từ họ mẹ kèm sau họ bố như “Nguyễn Trần Lâm”, “Phạm Vũ Lâm”,… thì phải ghi chính xác là “Họ: Âu Dương | Tôn Thất | Nguyễn Trần | Phạm Vũ” và “Tên: Lâm“.
Hình thức và mối liên kết
Xét về hình thức, tên đệm có thể là một từ: Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương. Xét về mặt liên kết với các thành phần khác trong tên, tên đệm có thể là thành phần độc lập, cũng có thể liên kết với tên họ hoặc với tên chính. Cũng có người chỉ có họ và tên mà không có tên đệm. Ví dụ như: Lê Lợi, Trần Lực…- Tên đệm đứng độc lập: là loại tên đệm không phối hợp được với tên họ hay tên chính để làm thành từ kép. Ví dụ với Nguyễn Đình Chiểu và Lê Văn Sơn thì từ “Đình” hay “Văn” không thể phối hợp với tên họ hoặc tên chính để làm thành từ kép có một ý nghĩa khác.
- Tên đệm phối hợp với tên chính: Hầu hết tên chính người Việt Nam xuất phát từ nguồn gốc Hán-Việt. Trong văn chương, các từ này được coi là hay hơn các từ Nôm nên khi đặt tên người ta cố gắng lựa tên đệm nào có thể đi chung với tên chính để có ý nghĩa rộng hơn, tốt đẹp hơn như Nguyễn Văn Quang Minh, Trần Hùng Dũng, Lê Phú Quý, Nguyễn Trọng Thành Công,…
- Tên đệm phối hợp với tên họ: Rất ít tên người Việt có tên đệm phối hợp được với tên họ để làm thành từ kép có ý nghĩa, ngoại trừ: Hoàng Kim Vui, Võ Văn Trung,…
- Tên đệm có thể có một hoặc hai chữ. Nếu là hai chữ, thì một chữ độc lập, một phối hợp với tên chính. Ví dụ, Đỗ Văn Quang Minh: tên đệm “Văn” đứng độc lập, tên đệm “Quang” đi với tên chính là “Minh” để thành “Quang Minh” (nghĩa là sáng sủa) hay Nguyễn Hoàng “Anh Dũng” (mạnh mẽ, có chí khí), Trần Thị “Tố Nga” (người con gái đẹp)…
Chức năng tên đệm
Tên đệm có thể có nhưng cũng có thể không có nên chức năng của nó đôi khi cũng không rõ ràng. Một số tên đệm có chức năng tương đối rõ:- Phân biệt giới tính: nữ giới thường có tên đệm là “Thị”, “Diệu”; nam giới là “Văn”, “Bá”, “Mạnh”…
- Phân biệt chi, ngành trong một dòng họ lớn: Ngô Thì, Ngô Vai; Nguyễn Đức, Nguyễn Mậu,…
- Phân biệt thứ bậc trong gia đình: một số người dùng từ đệm Bá để chỉ con cả dòng họ trưởng, Mạnh để chỉ con cả dòng họ thứ, Gia chỉ con trưởng, Trọng chỉ con thứ hai,…
- Thẩm mỹ: một số tên đệm chỉ có chức năng thẩm mỹ và nam nữ đều có thể dùng.
Tên đệm thường dùng
- Dùng từ Hán-Việt có ý nghĩa tốt như các từ chỉ vật quý, mùa đẹp, màu đẹp, từ chỉ phẩm hạnh, tài năng: Xuân, Thu, Cẩm, Châu, Hồng, Hoàng, Đức, Hạnh, Đình, Đại,…
- Lấy họ mẹ làm tên đệm hoặc lấy họ cha làm tên đệm mà không phải theo chế độ mẫu hệ.
- Lấy tên đệm của cha làm tên đệm hoặc một phần tên đệm cho con trai và có thể con gái. Lấy tên đệm của mẹ làm tên đệm hoặc một phần tên đệm cho con gái hoặc trai.
- Lấy tên chính của cha làm tên đệm cho con trai, lấy tên chính của mẹ làm tên đệm cho con gái.
- Lấy tên đệm và tên chính của cha làm tên đệm cho con trai và gái: Trần Thành Đăng (cha), Trần Thành Đăng Chân Tín (con trai), Trần Thành Đăng Chân Mỹ (con gái), Nguyễn Cao Kỳ (cha), Nguyễn Cao Kỳ Duyên (con gái)…
Tên chính là tên gọi của từng cá nhân, để phân biệt với những cá nhân khác. Trong tên của người Việt, tên chính luôn ở vị trí cuối cùng. Trong một vài trường hợp, theo thói quen người ta gọi đệm thay cho tên chính, phổ biến nhất với người có tên chính là “Anh” và “Em”, hay ví dụ trong một nhà có người chị tên Thanh Nguyệt, người em tên Hồng Nguyệt, cùng chung tên chính là Nguyệt nên người chị hay được gọi là Thanh, người em hay được gọi là Hồng.
- Về tên chính của vua quan, xem thêm Tên húy và miếu húy
Đặc điểm
Tên chính của người Việt thường có những đặc điểm sau:- Có lựa chọn và có lý do: Người Việt Nam quan niệm tên chính là một bộ phận gắn chặt với người mang tên đó. Tục ngữ có câu: “Xem mặt đặt tên”, bởi vậy khi đặt tên người ta thường chọn lựa kỹ và căn cứ đặc điểm, giới tính, hoàn cảnh gia đình, dòng họ, quê hương xã hội, ước vọng cha mẹ,… mà chọn, chứ không đặt tùy tiện.
- Số lượng phong phú: So với họ và tên đệm, tên chính phong phú hơn về số lượng. Do có tính lựa chọn, những cái tên mang nghĩa tích cực thường được chọn nhiều hơn những cái tên mang nghĩa tiêu cực đối với cả hai giới tính. Ví dụ, những cái tên như: Mạnh, Dũng, Tuấn, Phương, Dung, Hạnh… thì luôn phổ biến hơn những tên là Lừa, Bịp, Dốt, Sầu, Đau… Ngoài ra, có những cái tên vô nghĩa cũng được dùng, chẳng hạn như: Ngùy, Duẩn… Một cách đặt tên khác không phổ biến trong tiếng Việt lắm nhưng vẫn có, đó là đặt tên theo tiếng nước ngoài, theo kỷ niệm, theo sự kiện. Dù Bộ Tư pháp chưa có văn bản nào chính thức quy định việc cấm đặt tên theo các chính khách, người nổi tiếng, lỗi lạc…, nhưng điều này gần như trở thành luật “bất thành văn” trong việc đặt tên. Ví dụ, nếu đặt tên là Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… thì chắc chắn sẽ khó được chấp nhận.
- Xu hướng đa tiết hóa tên chính: Trước đây họ và tên thường 3 tiếng, ngày nay xu hướng phát triển thành 4 ngày càng nhiều và nhất là ở giới nữ.
- Hán-Việt giữ vai trò chủ đạo: thường được cấu tạo bằng hai từ: một để làm tên đệm, một để làm tên chính. Hai từ đó hợp lại có ý nghĩa rộng hơn, hoa mỹ hơn. Ví dụ Vĩnh Phú (giàu có muôn đời), Bạch Tuyết (trong trắng như tuyết), Hoài An (mong được an bình),… Tên chính từ gốc Nôm thường được các gia đình ở nông thôn, ít học, đặt cho con cái, tên từ gốc Nôm có vẻ mộc mạc như: Bông, Rồi, Vui, Cười, Lây, Há, Đực, Tí, Cò v.v… đã làm nhiều người băn khoăn, khó chịu về cái tên của mình, nhất là khi lên thành thị sinh sống. Khi người Pháp, người Mỹ,… đến Việt Nam, một số gia đình có liên hệ đã đặt tên con bằng những tên như: Trần Văn Pierre, Lê Văn Paul, Trần Thị Paulette, Nguyễn Thị Suzanne,… Có những tên không rõ nghĩa cũng như nguồn gốc như Nguyễn Quang Riệu hay Trần Đình Hượu,…
- Khó phân biệt nam nữ với tên chính: Về nguyên tắc, tên chính của nam nữ không có gì để phân biệt. Tuy nhiên căn cứ vào ý nghĩa của tên chính ấy, phối hợp tên chính với tên đệm và dựa vào thói quen có thể đoán tương đối chính xác một tên là nam hay nữ.
- Tên nữ thường là tên loài hoa: Mai, Lan, Cúc, Hoa, Hương,…; tên loài chim đẹp có tiếng hót hay: Yến, Oanh…; tên đá quý: Bích, Ngọc, Trân…; tên loại vải quý: Nhung, Gấm, Là, Lụa,…; từ ngữ chỉ đức tính: Hạnh, Thảo, Hiền, Dung,…; hay từ ngữ có âm thanh nhẹ nhàng, có ý nghĩa hoa mỹ: Vân, Thúy, Diễm, Lệ, Nguyệt, Nga, Trang, Huyền, Ngân…
- Tên nam thường được chọn trong các tiếng biểu lộ được sự mạnh mẽ về thể xác lẫn tinh thần. Tên nam thường là tiếng chỉ sức mạnh: Cương, Cường, Hùng, Tráng, Dũng,…; tiếng chỉ trí tuệ: Thông, Minh, Trí, Tuệ, Quang, Sáng,…; tiếng chỉ đức hạnh: Nhân, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Công, Hiệp, Phúc… hay tiếng chỉ tiền tài danh vọng: Phú, Quý, Kim, Tài, Danh, Đạt… hay chỉ địa vật như Sơn, Giang, Lâm, Hải, Dương,…; hoặc một số từ có âm hưởng mạnh mẽ như Long, Quốc,…
- Ngoài ra còn có tên trung tính (cả nam và nữ đều dùng được) được người Việt Nam sử dụng khá phổ biến như Anh, An, Bình, Hà, Khánh, Linh, Lương, Tâm, Thanh, Tú. Trong các trường hợp này có thể phân biệt giới tính của tên thông qua tên đệm, ví dụ như Quốc Khánh là tên nam (nghệ sĩ hài Quốc Khánh) còn Ngân Khánh là tên nữ (diễn viên Ngân Khánh).
- Tên chính không được trùng tên với các bậc trưởng thượng: theo phong tục cổ truyền trước đây, tên chính của người Kinh không được trùng với tên thần thánh, vua chúa, những người thuộc thế hệ trước của gia đình, gia tộc.
Lưu ý khi đặt tên cho con
- Không nên đặt tên vô nghĩa, tên quá dài hoặc quá ngắn, khiến người khác khó đọc.
- Nên tránh đặt tên con trùng với người thân trong gia đình, họ hàng gần gũi.
- Xem xét kỹ để đặt tên con rõ ràng giới tính, tránh gây cảm giác hiểu lầm cho mọi người.
- Không đặt tên con trùng với người chết trẻ trong nhà, dòng họ, các vị vua chúa thời xưa.
- Tránh đặt trùng tên với người nổi tiếng để tránh gặp bất lợi trong cuộc sống sinh hoạt.
- Tránh những tên quá thô tục, không trong sáng.
- Cần được đặt tên hay để khi nhìn vào đều hiểu ý nghĩa tên mình, bạn bè xung quanh.
- Tên gọi ở nhà cho bé trai, gái thì không chọn tên khi ghép thêm từ khác vào thành nghĩa khác. Hoặc những tên khi đọc lên khiến trẻ thấy khó chịu, xấu hổ nhất là khi lớn lên.